Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng vụ tàu Philippines bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
Lệnh cấm nhập khẩu uranium của Nga 'gây bão' trên thị trường năng lượng
    Tin Việt Nam
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi Campuchia sau vụ nổ kho đạn
    Tin Cộng Đồng
Nắng nóng kỷ lục tại nhiều bang của Ấn Độ
    Tin Hoa Kỳ
Mật vụ Mỹ lên kế hoạch bảo vệ trong trường hợp ông Trump bị giam giữ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng
    Âm Nhạc
Danh tính nữ ca sĩ Việt may mắn gặp Rosé (Blackpink), lại còn chiêu đãi fan ảnh cam thường
    Văn Học
Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Truyện Ngắn
Tội đồ trong kinh thánh?
Bảo nhắm mắt, nằm xây lưng vào chiếc ghế da đặt ở phòng khách, cố vờ như không nghe tiếng gõ cửa quen thuộc của mọi ngày, nghĩ Như vẫn còn thập thò bên ngoài chờ cho chàng mở cửa, chưa chịu bước đi khỏi hẳn. Bảo lưỡng lự, muốn trườn mình dậy đón Như, nhưng vì lười biếng nên Bảo cứ nằm ỳ ra, để mặc cho nàng gõ liên tiếp đến mấy lần, chờ mãi không nghe chàng trả lời, Như mới bỏ đi khỏi hẳn. Đợi cho tiếng giày xa dần, Bảo vẫn còn nằm ráng lại một lúc nữa, rồi mới bật người trổi dậy sửa soạn đến trường.
 

Sáng nào cũng vậy, sau khi thằng bạn cùng phòng với Bảo đi học xong, Như dọ dẫm đến đây rũ Bảo vào thư viện học trước giờ vào lớp. Thế nào chút nữa khi gặp mặt, cô nàng cũng sẽ cho Bảo vài cái nhìn vừa nguýt vừa lườm cho đã đời, dường như thói quen của nàng vậy. Biết nhau đã lâu, lúc hai đứa còn ngồi cạnh ở trung học, chàng hiểu được tính tình Như từ dạo đó, bất cứ nỗi buồn hay niềm vui nào trong Như cũng không giấu được Bảo, nàng kể cho Bảo nghe..



Năm cuối cùng của đại học, vì phải lấy nhiều giờ mong ra trường sớm hơn ấn định, nên Bảo học rút gấp mấy lần trước đây. Đêm qua học quá muộn sáng nay thức giấc, đầu óc Bảo nhức buốt, thấm mệt. Quơ vội chiếc áo, tay đụng phải cái dĩa gạt tàn thuốc chứa đầy những mẫu thuốc cặn thừa lại, đổ tung tóe lên trên tấm thảm, bụi tàn thuốc bay bám lên bìa sách, trên mặt bàn. Chàng nhìn quanh một lượt, định ngồi xuống dọn sạch nhưng nhìn đồng hồ đã sắp tới giờ học, Bảo lắc đầu lẩm nhẩm:

Để chút nữa thằng Nghiêm về dọn giúp vậy, mặc sức nó chửi thề nhoi lên.

            Đóng ập mạnh cánh cửa sau lưng, Bảo phì cười nhớ lại câu nói của Như hôm nào:

            - Căn phòng trọ của hai anh chàng độc thân chẳng khác chi cái ổ chuộc rúc, dơ ơi là dơ.

            Bảo cố biện hộ cho sự ở dơ của mình:

Đàn ông còn độc thân như thế đó, làm gì có đủ thì giờ để dọn dẹp chứ.

            Như thường trề đôi môi dài ra:

            - Không chấp nhận mình ở dơ, viện đủ lý lẻ biện hộ. Mười ông như một chục, không có ai hơn ai.

            Bảo chọc quê lại:

            - Bộ Như hay vào phòng mấy anh chàng độc thân lắm hay sao, biết rành rõi quá vậy.

            Chỉ một câu nói nhẹ nhàng như thế trước mặt Nghiêm, nàng đã đỏ mặt tía tai lên không cãi được lấy một lời, có vậy Như mới chịu để cho Bảo yên thân, còn không cô nàng lãi nhãi nói hoài mãi không dứt.

            Nằm lười trốn Như, báo hại Bảo chạy vào lớp học muốn chết, cũng may sáng nay ông thầy dạy đến trễ hơn mọi bửa, vừa nhìn thấy chàng bước vô lớp, Như ngẫn mặt lên, nguýt một cái thật dài đầy uất hận. Chàng đưa tay lên chào lấy lệ, tìm một chiếc ghế xa nơi chỗ ngồi của Như, Bảo nghĩ:

            - Cô nàng đang lên cơn giận, nếu ngồi gần không khéo nàng cho thêm mấy cái nguýt nữa chỉ mệt thân chẳng ích lợi gì.

            Chợt có tiếng Bryan hét lên, đưa tay ngoắc lấy ngoắc để:

            - Có dành riêng cho mầy cái ghế, hãy lại đây ngồi.

            Ngần ngừ một lát, Bảo cúi xuống ôm gọn hết những quyển sách, ra dấu cho bạn và bước khẻ đến gần. Bryan hỏi bằng một giọng thân mật:

            - Mầy khỏe không, thức đêm học hay sao đi muộn vậy.

            Bảo nhìn thằng bạn Mỹ:

            Cám ơn anh bạn đã dành chỗ giúp, hể có mặt nơi nầy chứng tỏ tôi vẫn bình thường, có đúng không.

            Bryan không nói, nhưng gật đầu đồng ý câu nói của Bảo.

            Hai giờ học trôi qua chậm chạp, tiếng ông thầy dạy rang rãng vang lên trong lớp học, Bảo mệt mỏi không còn sức lực để lắng nghe, ngồi yên chẳng hề nhúc nhích. Chờ cho ông thầy vừa bước ra khỏi lớp, Bảo vươn vai sửa soạn đứng dậy, nhưng Như chợt trờ tới, nhìn chàng bằng giọng trách móc:

            - Lúc sáng đến gõ cửa phòng Bảo, sao lại nín thinh không chịu mở cửa.

            Làm như không biết Như đến hồi sáng nay, Bảo nói:

Đêm qua thức khuya, sáng nay ngủ quên chẳng biết ất giáp gì cả.

            Như không tin lời Bảo, nhìn chăm chú vào mặt người bạn trai:

            - Nếu Bảo không thích Như đến cứ nói thẳng ra, đừng quanh co làm gì.

            Chàng cố vờ câu giận dỗi của Như, hỏi:

            - Có lên thư viện học không Như? Từ giờ cho đến chiều mới có lớp, về nhà sợ nằm lăn ra ngủ dậy không nổi nữa.

            Như đang vùng vằng, phụng phịu chưa kịp trả lời Bảo, Bryan đã cầm tay chàng kéo lôi đi:

            - Vào thư viện học chung, tối nay tôi sẽ đón Bảo tới “club”.

            Sợ Như nghe được, Bảo đành gật đầu kéo nhanh Bryan bước vội ra cửa, nói khẻ:

            - Mầy đừng nói thế trước mặt cô Như, lỡ cô ta nghe sẽ hạch hỏi đủ điều lôi thôi mất công. Cô ta thông minh lắm, khó nói dối cho được.

            Bryan nhăn mặt, xua hai tay lên trời:

            - Mầy vẫn còn chưa chịu nói gì với cô Như sao, để lâu hơn nữa tao e nhiều phiền phức cho cả hai.

            Bảo cúi đầu buồn bả:

            - Tau cũng biết như thế, nhưng khó mở miệng nói ra sự thật.

            Bảo nói xong bỏ đi như trốn chạy. Chàng nghe hai tai nóng bừng, chừng như ai ai cũng hướng về nhìn chăm chú vào thân thể của mình. Bảo cảm thấy sợ hãi, đôi mắt ươn ướt, muốn bước thật nhanh hơn về phòng trốn vào nơi một góc tối nào đó, để không còn nhìn thấy mọi người, để được gào thét với nỗi đớn đau trong lòng.

            Tuần trước theo Bryan đến “club” lần đầu tiên, Bảo thoải mái và yên tâm, thế giới như thuộc hẳn về chàng, trò chuyện với những người bạn cùng lứa, chàng cảm thấy an ủi đôi chút. Nhưng khi nghĩ phải đối diện với gia đình và Như, lòng Bảo chùng xuống, với ngàn nỗi réo rức lo âu. Những người bạn trong hội, đều khuyên Bảo nên về nhà can đảm nói hết sự thật của chàng cho gia đình và bạn bè biết. Gia đình Bảo vẫn là một gia đình nề nếp, rất sợ dư luận. Còn ông bà nội nữa, tất cả mọi người đều nhìn chàng như một đứa con trai thật bình thường, như bao đứa con trai khác trên đời nầy. Bình thường như anh Chung, anh Trị hay chị Phương. Có ai ngờ được Bảo khác hẳn với mọi người đã tưởng, nhiều cô bạn gái học cùng trường lè kè theo Bảo, một vài cô còn đưa số điện thoại tận tay, chỉ mong Bảo gọi cho họ. Mấy thằng bạn thường vỗ vai Bảo, nói chàng tốt số. Có đúng như lời họ nói không? Hay trong lòng Bảo có trăm ngàn mối ưu phiền, không biết tỏ cùng ai. Kể cả Như, người bạn học gần gủi chàng suốt bảy tám năm nay. Ngày qua ngày sự bất an trong lòng kéo dài mãi, chưa thể giải thích được. Có những lúc ngồi bên cạnh Như thật lâu, nhưng Bảo không tìm được một chút cảm giác hay rạo rực nào trên thân thể thằng con trai mới lớn. Chàng chỉ coi Như giống cô em gái. Lắm lúc Như trách khéo chàng bằng một câu nói, vừa âu yếm vừa giận dỗi:

            - Con người anh chẳng khác chi khúc gỗ hay viên gạch, làm bạn với anh lâu ngày càng thấy cái lạnh lẽo từ người anh tỏa ra càng nhiều.

            Nói cho có để hờn giận trách móc, Như vẫn cứ theo Bảo là đà bên cạnh, không rời xa. Lắm lúc Bảo muốn cầm tay Như nói ra hết những gì đã giấu kín từ lâu nay, nén đôi môi mấp máy run rẫy, cố nhìn thẳng vào mặt Như một hồi, nhưng đành chịu thôi. để đến bao lâu nữa, Bảo mới can đảm khai hết sự thật của mình cho Như hay. Nhiều khi hai đứa ngồi học ở thư viện, Bảo chỉ biết cắm cúi đọc sách viết bài, không chú ý những sự việc chung quanh. Như khác hẳn, chăm nhìn chàng như tìm kiếm điều gì mới lạ ở Bảo. Cử chỉ đó, Bảo thoáng thấy và đọc được những ý nghĩ trong đầu của Như. Sự im lặng của chàng, khiến Như đau đớn, hiểu lầm.

            Từ bật trung học và gần bốn năm cắm cúi trên đại học, Bảo là đứa con trai thông minh về tất cả các môn. Bố mẹ đặt hết kỳ vọng ở chàng, mong rằng trong nay mai sẽ làm rạng rỡ cho gia đình, bố còn nói lên sự tham vọng của ông:

            - Gia đình ta từ xưa tới nay rất danh tiếng, nhưng chưa có ai làm nghề thầy thuốc. Nay bố đặt hết tin tưởng vào Bảo, sẽ là đứa con đầu tiên trong dòng họ làm nên những uớc mơ của bố.

            Bố tâm tình trong lúc ông vui. Thật ra giấc mộng của bố, Bảo nghĩ không mấy khó, nếu Bảo chú tâm trong việc học hành. Sau gần bốn năm ngồi ở đại học và từ mặc cảm đến lo sợ, chàng đã chán chường. Nếu đạt được giấc mộng như vậy, có đánh đổi được những gì bất thường trên cơ thể của thằng con trai mới lớn không, hay khi nghe chàng bày tỏ nỗi niềm, họ sẽ nhìn chàng bằng đôi mắt dò xét, đã có nhiều lần chàng chán sống. Cái chết vẫn luôn bám chặt vào trong lòng, chàng nghĩ có như thế mới có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Nhưng Bảo đã không đủ can đảm để tự hủy hoại thân thể, nên vẫn còn trốn chạy, để uất ức đau đớn đổ dồn vào người, thấy mình như một tội đồ trong kinh thánh đã làm những chuyện lỗi lầm không đáng được tha thứ. Đã nhiều lần một mình trong phòng vệ sinh hay trong giấc ngủ, chàng đã khóc thật sự, tâm hồn yếu đuối nên dễ xúc động, Bảo có thể khóc như một đứa bé. Tính tình Bảo dạo nầy thay đổi liên mên, lúc cáu kỉnh lúc buồn giận, đến cả Như gần gủi và thân nhất cũng phải la thán cả lên:

            - Sao bỗng dưng tính tình Bảo thật kỳ cục, vui buồn như một người khùng, bộ học nhiều bị chạm giây thần kinh hử.

            Cho dù than thở với đời, Như vẫn là cô bạn gái dễ thương theo an ủi chàng. Có lần Như nói với Hiền, như phân trần:

            - Bảo chỉ coi tao như một người bạn, như cô em gái. Mày thử nghĩ quen nhau suốt thời gian học cùng nhau, chưa hề nắm lấy tay nhau, làm sao Bảo có thể nói yêu cho được. Cũng may bên cạnh chàng chưa thấy có một bông hồng nào khác, nếu có tao sẽ uất ức mà chết sớm. Bởi tao yêu anh hồi còn trung học, cũng vì Bảo tao đã từ chối không biết bao nhiêu anh chàng học cùng trường, nay họ đều có đôi có cặp, chỉ mỗi mình tao lủi thủi theo chân anh chàng “tốc kê” nầy mãi.

            Nghe những lời u buồn của Như, Bảo không khỏi lo sợ, nếu một ngày nào đó chàng nói cho nàng hay, sự bất thường trên thân thể của một thằng con trai như Bảo, Như có coi chàng là bạn nữa không, hay tìm cách xa lánh, khinh khi và chế riễu Bảo giống những người bạn cùng tâm trạng, đã bị mọi người tránh xa chẳng khác gì một căn bệnh truyền nhiểm không thể tìm được thuốc chữa.

            Lúc nầy, trong “club”, vừa có thêm mấy thằng con trai cùng lứa tuổi với Bảo, người Trung Hoa. Họ trầm lặng, bẻn lẻn không như Bryan hay Mark. Mỗi lần bước chân vào phòng, Bảo mắc cở ghê gớm. Bryan thường vỗ về an ủi Bảo:

            - Phải chờ một thời gian ngắn nữa mầy sẽ quen, cứ coi tất cả mọi người ở đây là những người bạn thân nhất và hiểu được những ưu phiền của mầy. Có chuyện gì khó giải quyết họ sẽ giúp mầy ngay, đừng ngại.

            Có lần Bảo tò mò hỏi Bryan, bố mẹ nó đã biết sự bí mật của nó chưa. Bryan trả lời tỉnh bơ:

            - Bố mẹ tôi đều biết hết mọi chuyện, kể từ dạo tôi mới lên mười. Bởi vì mỗi lần chơi chung với cô em gái, nhỏ thua tôi ba tuổi, lúc nào tôi cũng lấy áo quần của nó mặc vào người, xong đứng ngắm nghía thật lâu trước tấm gương soi, tỏ ra vẻ vui sướng. Ban đầu bố tôi la toáng lên, hâm dọa sẽ trừng phạt bắt ngồi một mình trong góc phòng tối câm, ông còn dọa nếu tôi cứ tiếp tục trò chơi điên khùng như vậy nữa ông sẽ không tha. Ban đầu lời đe dọa của bố tôi khiến tôi lo sợ không ít, nhưng dần dần lớn lên, tôi nghĩ không thể nào không nói rõ cho bố mẹ biết những điều khác lạ trong con người tôi, dù hiểu rằng hậu quả sẽ không mấy tốt đẹp. Cho đến năm lên lớp mười hai, không thể chịu đựng được nữa tôi đem sự thầm kín nầy nói với bố mẹ biết, họ đành phải chấp nhận. Nhưng dường như ông bà già thường nhìn tôi bằng đôi mắt dò xét, muốn biết rõ trường hợp nào biến đổi con người tôi như vậy. Cho mãi đến nay bố mẹ tôi đã ly dị, tuy nhiên cả hai đều đón nhận tôi bằng những vòng tay mở rộng đầy thương yêu. Bố tôi vẫn dặn, nếu cần gì hãy tìm tới ông tôi sẽ nhận được những giúp đỡ. Có lẽ nay ông đã hiểu và thông cảm hơn trước đây nhiều, đó cũng là một điều may mắn cho tôi. Thú thật ngày xưa, tôi đã hai lần tự tìm cái chết để mong có thể giải quyết được mọi chuyện, nhưng thấy vậy, chứ chưa tới số khó lắm. Sau những lần thất bại trốn tránh cuộc đời, tôi cảm thấy cần yêu lấy chính bản thân của mình, mới mong được thoải mái và không bị dằn vặc nội tâm.

            Nghĩ tới lời tâm sự của Bryan, Bảo chợt nhớ đến gia đình lấy làm lo ngại. Ông bà nội từ lúc nào vẫn đi nhà thờ, tin vào những gì Thiên Chúa dạy. Đến ngay cả mẹ, bà hay than có con nhiều thật cực, chị em Bảo hỏi sao mẹ không hạn chế sinh sản như thời nay cho khoẻ, mẹ nhìn bà nội xong nói nhỏ với chị em chàng:

            - Thời kỳ bố mẹ lấy nhau đâu phải dễ như bây giờ, hạn chế sinh sản là một tội lớn, trái với luật tạo hóa của Trời đất.

            Rồi mẹ ngập ngừng:

            - Mà nếu có chăng đi nữa bà nội sẽ không chấp nhận, vì bà tin một phép lời Chúa dạy, khó có thể làm những chuyện trái ngược như vậy.

            Vài câu chuyện trao đổi ngắn ngủi trong gia đình, Bảo nhận thấy đã có những cấu kết, ràng buộc với nhau thật nhiều, huống chi nay đem hoàn cảnh của chàng ra nói trước một gia đình mộ đạo như bà nội hay mẹ, làm sao mọi người có thể thông cảm cho Bảo.

            Thấy Như vẫn gọi điện thoại cho chàng, chị Phương nói:

            - Coi cô bé đó dễ thương, nay mai Bảo ra trường hãy xin đi hỏi cho xong chuyện.

            Mẹ chêm vào:

            - Con nhỏ coi bộ lễ phép, gặp mẹ lần nào trong chợ Như đều đứng lại thưa gởi đàng hoàng. Cứ bảo con nhà ngày nay không biết lễ nghĩa, mẹ nghĩ tùy thuộc vào trong sự dạy dỗ của mỗi gia đình, đừng qui tội vào tất cả. Nếu Bảo thấy cần mẹ xin gia đình Như làm lể hỏi để đó, lúc nào hai đứa ra trường xong làm đám cưới cũng tiện thôi.

            Bảo ngồi lặng thinh nghe mẹ và chị Phương vạch định về tương lai của chàng. Chưa kịp lên tiếng phản đối, chị Phương đã bàn với mẹ:   

            - Hay sắp đến ngày Bảo được nghỉ nhà một tuần, gọi Như về nhà dùng cơm với gia đình mình, nhé Bảo?

            Chàng vội bàn:

            - Sắp tới ngày thi, con và Như không có thì giờ đâu mẹ.

            Chị Phương trách:

            - Con trai gì Bảo hay e thẹn và mắc cở như con gái vậy, nếu không đủ bản lãnh, chị sẽ nói giúp cho, cô ta sẽ đồng ý ngay.

            Mẹ cười:

            - Vậy cũng được, tuần nầy tụi con bận thi cử thôi hãy để tuần sau. Mẹ sẽ sửa soạn các thức ăn thật ngon để con mời Như đến nhà.

            Thế là quyết định của mẹ và chị Phương đã xong đâu vào đấy, chẳng cần hỏi ý kiến Bảo thế nào, có bằng lòng không. Tuần lễ thi “final” qua chậm chạp, Bảo vừa hoàn tất các môn thi. Suốt mấy đêm suy nghĩ, Bảo quyết định nói ra hết sự thật cho mẹ hay. Buổi trưa cả nhà đều vắng mặt, anh Thịnh đưa bố đi thăm người bạn ở Việt Nam vừa qua đến, quanh quẩn bên mẹ dưới nhà bếp gần hai tiếng đồng hồ, Bảo vẫn chưa mở lời nói một câu nào. Thấy dáng điệu ngập ngừng của chàng, mẹ như đoán được Bảo đang cần nói điều gì với mẹ, bà cười:

            - Vài hôm nữa mẹ gặp Như, chờ cho ý định con thế nào, bố mẹ tới nhà Như xin phép gia đình bên đó tính ngày tháng tốt để làm đám hỏi, Bảo chịu chứ?

            Lợi dụng lúc mẹ đang vui, Bảo dồn hết can đảm nói:

            - Con không thể cưới Như đuợc đâu mẹ, tụi con chỉ bạn với nhau thôi.

            - Ừø thì ngày xưa lúc mẹ quen biết bố, cả hai chỉ coi như người bạn học cùng trường, nhưng khi bố có ý định đi xin ông bà ngoại cưới mẹ, mẹ đã gật đầu bằng lòng ngay không từ chối. Thời buổi văn minh, con không thấy các anh chị sao, thích người nào về nhà chỉ liền cho bố mẹ đi hỏi ngay, như vậy cũng tốt thôi, lỡ sau nầy có việc gì không trách cứ vào ai được.

            Bảo gắng gượng cố giữ vẻ tự nhiên trên gương mặt đỏ gay của chàng:

            - Nếu con nói ra những gì với mẹ, liệu mẹ có đủ can đảm nghe con không?

            - Chuyện gì có quan trọng lắm không? Sao hôm nay con nói chuyện úp úp mở mở nghe kỳ cục hết sức.

            Bảo cầm tay mẹ vân vê:

            - Mẹ có biết con chẳng bao giờ làm bất cứ điều gì khiến mẹ buồn cả, kể từ chuyện nhỏ hay lớn. Con muốn đem hạnh phúc, vui tươi đến cho mẹ. Có một điều con đã cố gắng hết sức của con, nhưng con vẫn không đạt tới những gì con mong mõi, nỗi thất vọng làm cho con đau đớn từ nhiều năm nay, có đôi khi con muốn rời bỏ cuộc đời nầy, nhưng nghĩ đến bố mẹ nên con đã gắng gượng trong cuộc sống khốn khổ của con. Bảo nói đến đây, ngừng lại với giọt nước mắt ướt nhỏ xuống tay mẹ.

            Bà Bằng giật giật tay con trai, giọng lạc hẳn:

            - Sao Bảo nói toàn những điều gỡ như thế, những điều mẹ không hề nghĩ Bảo sẽ thốt ra bao giờ, làm cho mẹ không hiểu gì cả mà chỉ thêm sợ hãi.

            Giọng Bảo chùng xuống, đầy run rẫy:

            - Những gì con che giấu đã quá lâu, nay con muốn nói ra một lần, con mong mẹ thương con và hiểu nỗi khổ tâm của con.

            - Bảo hãy nói thẳng ra đi, mẹ sẽ tìm đủ mọi cách để con mẹ được vui sướng. Bà Bằng nhìn con không chớp mắt.

            Bảo ngập ngừng đôi giây, rồi bật nói nhanh:

            - Chắc hẳn mẹ đã nghe nhiều trên đài truyền hình nói về những người bị bệnh đồng tính luyến ái chứ mẹ.

            - Trời ơi! Con có thể nói rõ thêm tí nữa có được không?

            Bảo lấy hết can đảm:

            - Con cùng một trường hợp như vậy, mẹ biết không. Con chưa hề tìm được cảm giác của một thằng con trai bên cạnh Như cả.

            Mẹ nói bằng một giọng đứt đoạn:

            - Tại con.. không yêu Như đó thôi... nếu con tìm được người con gái nào con thích... mẹ nghĩ con sẽ có những cảm giác yêu thương ngay.

            - Không phải đâu mẹ, con đã từng cố gắng và con biết không thể nào sống bình thường tâm tính của một đứa con trai, trong người con từ lâu đã có những biến đổi mà chỉ một mình con hiểu được thôi, mẹ là người đầu tiên con nói ra sự khó khăn nầy, con hy vọng mẹ sẽ chấp nhận và thông cảm cho con.

            Bà Bằng ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu rên rỉ:

            - Mẹ nghĩ con vì học quá nhiều nên đâm ra nói những chuyện điên khùng, lẽ nào con của mẹ lại mang chứng bệnh kỳ lạ đó. Nhà ta có ai bị như vậy đâu, sự thật mẹ không thể nào tin những gì con đã nói.

            Vẫn dáng điệu khổ sở, bà ngẩn đầu nhìn chăm chú vào khuôn mặt của con, bật nói:

            - Hay để mẹ đưa con đi bác sĩ nhé, ông nầy bạn thân của ba con hồi còn bên Việt Nam, giỏi nổi tiếng ở đây và mẹ nghĩ ông ta sẽ kín đáo khi điều trị cho con, khỏi sợ một ai hay biết.

            Bảo nhìn mẹ, lắc đầu:

            - Không có một ông bác sĩ nào có thể chữa được căn bệnh nầy cả mẹ, con sinh ra đã như vậy rồi, đây chỉ là một căn bệnh bất thường chứ con hoặc không một người nào muốn như thế nầy đâu. Mẹ cũng từng xem trên tivi, họ đề cập đến dường như hàng ngày. Riêng về phần con, con sẽ chấp nhận mọi sự không may đến với cuộc đời, không than oán, chỉ mong mẹ vẫn thương con và hiểu được nỗi lòng của con mà thôi.

            Bà Bằng gục đầu xuống đất khóc, lắc đầu:

            - Không, không thể nào. Mẹ chẳng bao giờ tin những chuyện đó có thể xảy ra cho con cả.

            Bà lại nức nở. Tiếng khóc với những lời rên rĩ kéo dài lê thê của mẹ, khiến cho Bảo xót xa. Không còn sức chịu đựng được nữa, chàng bỏ đi như chạy trốn, quơ vội vài cái áo đang treo sẵn trong chiếc tủ, vài chiếc quần jean nhét vào xách, Bảo bước nhanh ra cửa không hề quay đầu nhìn lại, chàng nghĩ:

            - Đàng nào mình cũng phải ra đi, ở lại thêm bận tâm bố mẹ và tất cả mọi người. Dù sao chăng nữa Bảo cũng đã nói ra hết sự thật, mà từ lâu nay chàng vẫn cố đè nén trong lòng. Một lần rồi thôi, ít nhất mẹ đã biết những u buồn trong lòng chàng từ bấy lâu. Bảo cũng thông cảm với mẹ, chưa một gia đình Việt Nam nào chấp nhận căn bệnh bất bình thường nầy, kể cả những gia đình người Mỹ, họ vẫn chưa có thể gật đầu đồng ý. Sự ngờ vực vẫn còn trong tâm khảm của mỗi người. Bảo thở dài, thương cho mình, cho những người bạn cùng tâm bệnh.

                                                               °

            Chuyện xảy ra như mới ngày hôm qua, thời gian trôi đi thật nhanh, Bảo đã ở hẳn tại thành phố nầy gần sáu tháng nay. Lá thư đầu tiên gởi cho Như đã hơn tháng nay, Bảo vẫn không hề nhận được một chữ nào của Như trả lời. Chàng nghĩ thôi vậy cũng xong, chỉ mong cho Như hiểu được vì sao quen nhau đã lâu, Bảo chưa hề nói lấy một lời yêu thương. Công việc hàng ngày làm cho chàng mệt nhoài. Đôi khi ngồi lại một mình trong căn phòng trống trải, chàng thấy nhớ nhà quay quắt. Không biết giờ nầy mọi người đang làm gì và Như có còn đi học hay sau khi xong bốn năm, đã có công việc làm như chàng hiện nay không. Kể từ ngày rời bỏ gia đình, Bảo mất hết liên lạc với những người thân. Những khuôn mặt nơi nầy hoàn toàn xa lạ đối với Bảo, ở đây người Việt chỉ dăm ba ngàn người, họ sống rải rác ra từng khu vực một nên ít khi gặp được nhau. Có gặp chăng nữa, chàng chỉ gật đầu chào và không hề mở miệng nói lời nào. Từ lúc dọn về đây, Bảo sống lặng lẽ như một nhà chân tu, không bạn bè không người quen biết, an phận một đời người như chàng. Chắc hẳn mọi người đã quên Bảo, đời sống của chàng vẫn lăn đều tròn xoe như bánh xe. Đi làm, ăn ngủ như một kẻ bình thường trên cuộc đời nầy, không hơn không kém. Mới mấy tháng xa nhà, sự cô đơn, buồn phiền nung nấu trí óc, chàng cảm thấy già dặn hẳn ra. Bốn bức vách im lìm trong căn phòng nầy, là những người bạn chân tình nhất để tâm sự, Bảo nói gì cũng không phản đối chàng lấy một lời. Yên lặng chia xẻ cùng nỗi khổ trong lòng chàng.

            Cơn mưa giông ầm ỷ một lúc rồi như ngưng hẳn, mặt trời đã hé dạng dần dần. Con đường về nhà vẫn còn ướt mèm, mùi đất khô lẫn mùi nước mưa in ỉn. Những chiếc xe chạy nhanh qua lăn mạnh, làm tung toé nước lên mặt kiếng xe, làm mờ trước mắt, Bảo lái xe chậm lại, một lúc mới đến nhà. Chỗ chàng đậu xe hàng ngày do ông quản lý chung cư chỉ định, nay đã có chiếc xe hơi nào thế vào đó, chàng ngần ngừ một hồi đành phải dừng xe tạm dưới gốc cây thông trước cửa văn phòng. Một mái tóc màu đen ló ra, suýt chút nữa Bảo la lên, chị Phương và Như xuất hiện ngay nơi cánh cửa. Chàng sững sờ nhìn hai người, chị Phương reo lên:

            - Trời ơi! Chờ Bảo mất đến ba tiếng đồng hồ nóng cả ruột, sợ Bảo đi làm không về nhà luôn cho đến tối nữa chứ. Như đang cuống cuồng lên, Bảo chỉ cho điạ chỉ chứ không có số điện thoại trong sở của Bảo, cho nên hai chị em ngồi đây chờ hoài hủy. Hú hồn hai chị em mình Như nhỉ. Chị xoay về phía Như đang đứng im lặng nhìn chàng.

            Như gục gặt cái đầu, nhưng đôi mắt đầy mọng những nước. Chị Phương cố gắng gượng pha hề:

            - Ha, thế là chị em mình tìm ra chỗ ở của Bảo không mấy khó. Hồi bước chân đi Như phập phòng lo ngại, chị bảo đảm với nàng sẽ không sao đâu, Như chẳng thèm tin vào sức của chị, dọc đường cứ băn khoăn mãi, nay đã phục chị chưa hả cô bé.

            Bảo đi lại nắm cánh tay chị, run rẫy hỏi:

            - Chị và Như liều quá đi, lỡ có bề gì làm sao xoay trở.

            Như cúi đầu trả lời, giọng buồn bả:

            - Vẫn chưa liều như Bảo đâu, bỏ đi không nói cho Như lấy một lời. Tưởng Bảo không thèm viết thư từ nữa chứ.

            Chị Phương vội nói:

            - Thôi Bảo đưa chị và Như về cho biết phòng của Bảo đã chứ, không lý đứng đây hoài sao.

            Bảo dạ khẻ, hỏi chị:

            - Chị và Như có đồ gì nhiều không? Em xách hộ.

            - Chỉ có mấy bộ áo quần, để chị em mình xách vào sau cũng được chị Phương. Như nói.

            - Đâu có được, hôm nay Như và chị Phương là khách của Bảo mà, để Bảo đem vào luôn thể.

            Không chần chừ, Bảo đi lại mở cánh cửa xe kéo ra hai xách áo quần, miệng nói:

            - Chị và Như đi theo em.

            Căn phòng trọ của Bảo nằm thu mình bên hàng cây cao che khuất đầy bóng mát phủ kín. Chị Phương đứng quan sát trong khi chờ Bảo mở cửa. Nhìn bàn tay đứa em trai run rẩy, bỗng dưng chị thấy thương xót cho đứa em trai, không ngăn được cơn xúc động đang dấy lên trong lòng, Phương bật khóc òa. Bảo luống cuống quay đầu lại nhìn chị, hai chị em không ai bảo ai ôm chầm lấy nhau, Như đứng bên cạnh cũng sụt sùi cúi đầu trong tiếng khóc.

            Bức thư bố mẹ gởi nhờ chị Phương đem cho Bảo, lời bố viết trong thư :

            - Dù thế nào chăng nữa, Bảo vẫn là đứa con trai của bố. Tất cả niềm vui hay buồn của Bảo đều ảnh hưởng với bố không ít, bố chịu trách nhiệm và chia xẻ một phần trong đời sống của Bảo. Bất tất Bảo phải bỏ ra đi không một lời từ giả gia đình. Bố vẫn thương Bảo như ngày nào, ngay cả mẹ con cũng vậy, Bảo phải hiểu mẹ chỉ là người đàn bà yếu đuối, sự việc xảy ra như thế mẹ con không thể nào chấp nhận ngay. Và dĩ nhiên không một bà mẹ nào không buồn khổ khi nghe những bất hạnh xảy đến cho con của mình, bố nghĩ Bảo hiểu được những gì bố muốn nói. Nếu trường hợp của Bảo như thế, bố mẹ cũng chấp nhận thôi, vì bố hiểu không một ai trên đời nầy sinh ra muốn trở thành một người bất bình thường cả. Bố không biết nhiều về khoa học, không chứng minh được những khác biệt của Bảo, nhưng bố sẽ can đảm đón nhận đứa con trai kém may mắn. Từ nhiều tháng nay bố không chạy quanh tìm Bảo, với con tim của một người cha, bố đã khóc khi nghe mẹ con kể lại. Nhưng bố tin chắc con của bố sẽ có đủ can cường để tạo dựng một cuộc đời riêng cho con. Bố đang chờ một ngày Bảo trở về, vòng tay bố sẽ mở rộng đón nhận con như bao nhiêu đứa con trai gái khác của bố, không có sự khác biệt. Mẹ gởi những lời thương nhớ nhất đến Bảo. Mọi người trong gia đình vẫn mong ngày Bảo trở lại...

            Đọc đến đây, giòng nước mắt tuông chảy, Như và chị Phương lờ mờ trước mặt Bảo. Cuối cùng Bảo đã bắt gặp lại bóng mát của cuộc đời, ngỡ đã thấp thoát mất đi không bao giờ tìm kiếm lại được.

            Vẫn dáng dấp xưa, vẫn cử chỉ cũ, Như cầm tay Bảo lắc mạnh:

            - Bảo tệ nhất đời, đi không thèm báo trước cho Như hay, nay có chị Phương ở đây phải bắt Bảo đền một bữa ăn thật ngon, để bù lại những ngày Bảo vờ bỏ nhà ra đi, khiến Như muốn điên lên được, tưởng không còn có cơ hội để nhìn thấy Bảo lần nữa. Như nói trong nước mắt.

            Chị Phương ôm chầm cả hai, gật đầu:

            - Suốt mấy tháng ròng rã, cả gia đình không ai tìm được niềm vui, mọi người đều trông đợi Bảo. Dặm đường xa cũng không bằng những ngày dài mong chờ tin Bảo đưa về. Hôm nay có Như, phải bắt đền Bảo một lần để nhớ mãi về sau, không còn làm những việc khùng điên như thế nữa.

            Bảo lặng lẽ gật đầu. Không biết tương lai sẽ đi về đâu, nhưng giờ đây Bảo vẫn còn thấy được những trái tim dồn hết thương yêu cho chàng. Không dám nghĩ nhiều hơn nữa, Bảo đứng dậy kéo tay Như và chị Phương, đi lần về vạt nắng còn đọng lại dưới thung lũng đầy màu hoa tím. Biết đâu, cuộc đời chàng rồi cũng như màu hoa tím dại chiều nay.

    Quách Y Lành

DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Xa Xóm Mũi (31-03-2024)
    X - Năm Một Ngàn Chín Trăm Năm Xưa (31-03-2024)
    Vị Của Lời Câm (31-03-2024)
    Neo Lại Bóng Mình (18-02-2024)
    Bóng Của Thành Phố (18-02-2024)
    Chuyện Cục Kẹo (24-01-2024)
    Con Trai Và Má (24-01-2024)
    Củi Mục Trôi Về (24-01-2024)
    Bùa Yêu Và Con Nhỏ Thất Tình... (24-01-2024)
    Biết Sống (07-01-2024)
    Biển Của Mỗi Người (07-01-2024)
    Ấu Thơ Tươi Đẹp (07-01-2024)
    Áo Rách Và Nắm Bụi (07-01-2024)
    Ai Biểu Xấu (30-11-2023)
    Áo Tết (30-11-2023)
    Bên Sông (01-10-2023)
    Bóng Của Thành Phố (01-10-2023)
    Ăn cơm một mình (01-10-2023)
    Từ bi ươm sức sống (01-10-2023)
    Nhà mưa (24-08-2023)

Các bài viết cũ:
    Tạp Ghi: Ý - Huyền Thoại Và Di Tích (Tiếp theo & Hết) (28-08-2010)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 152852800.